Huyện Quảng Điền: Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác hòa giải ở cơ sở
Ngày cập nhật 27/12/2023

Hòa giải là một nét đẹp truyền thống quý báu của dân tộc ta từ bao đời nay, được bảo tồn và phát huy qua nhiều thế hệ; góp phần nâng cao ý thức cộng đồng, tôn trọng pháp luật của người dân và giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp tại cộng đồng dân cư. Thực hiện Luật hòa giải cơ sở, với chức năng, nhiệm vụ của mình, trong những năm qua MTTQ các cấp từ huyện đến cơ sở đã phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở.

 

Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp ở huyện Quảng Điền đã tích cực phối hợp, tham gia giới thiệu người của các tổ chức thành viên Mặt trận, người có uy tín ở cộng đồng dân cư để bầu làm hòa giải viên và đã thu hút được nhiều thành phần, lực lượng tham gia. Số lượng, chất lượng của đội ngũ hòa giải viên từng bước được bảo đảm, hầu hết hòa giải viên đều nêu cao tinh thần tự nguyện, nhiệt tình, trách nhiệm, có hiểu biết sâu về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải ở cơ sở. Công tác tuyên truyền được quan tâm, chú trọng triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú thông qua các buổi họp dân, hội nghị khu dân cư, qua phương tiện truyền thông, qua hệ thống nhóm zalo, trang fanpage của Mặt trận, tài liệu hướng dẫn về công tác hòa giải ở cơ sở ...

 MTTQ các xã, thị trấn làm tốt công tác phối hợp với các tổ chức thành viên tạo điều kiện cho các thành viên tham gia tích cực vào công tác hòa giải; động viên hội viên, đoàn viên và Nhân dân tích cực tham gia xây dựng, củng cố tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, gắn với việc xây dựng, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tính đến tháng 6 năm 2023, toàn huyện có 95 tổ với 570 hòa giải viên (trong đó nam 444, nữ 126); số lượng thành viên của mỗi tổ hoà giải là khác nhau, trung bình từ 05 - 07 hòa giải viên/tổ, trong đó có 95 Trưởng ban công tác Mặt trận tham gia làm hòa giải viên, số hòa giải viên còn lại là cán bộ làm công tác trong các tổ chức Phụ nữ, Cựu Chiến binh, Người cao tuổi, Đoàn thanh niên hoặc người cao tuổi, chức sắc tôn giáo, người có uy tín, nguyên cán bộ làm công tác pháp luật nghỉ hưu tại địa phương... Các hòa giải viên được bầu đều là những người có phẩm chất đạo đức tốt, sống gương mẫu, có uy tín, có khả năng vận động, thuyết phục nhân dân chấp hành pháp luật, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, được bầu chọn công khai, dân chủ trong cộng đồng và ngay sau khi các tổ hòa giải cơ sở được bầu, UBND các xã, thị trấn đã ban hành quyết định công nhận.

Từ năm 2014 đến tháng 6 năm 2023, các tổ hòa giải ở cơ sở đã tiếp nhận 1.106 vụ việc, hòa giải thành 901 vụ việc (tỷ lệ 81,46%); nội dung các hoạt động hòa giải là các vụ mâu thuẫn, tranh chấp đất đai, tài sản... tại các gia đình, khu dân cư, qua đó góp phần giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp nảy sinh từ cơ sở, giữ gìn đoàn kết, tình làng nghĩa xóm gắn kết, hạn chế khiếu kiện vượt cấp, hạn chế nảy sinh nhiều vụ việc vi phạm pháp luật ở cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, MTTQ các cấp thường xuyên phối hợp với chính quyền quan tâm, tạo điều kiện về tài liệu, kinh phí để tổ hòa giải hoạt động, thường xuyên nắm bắt tình hình nhằm phát hiện những mâu thuẫn trong nhân dân, kịp thời phối hợp làm tốt công tác hòa giải để giải quyết ngay hoặc kiềm chế mâu thuẫn phát sinh từ các tranh chấp nhỏ; kiến nghị chính quyền cùng các cơ quan chức năng liên quan kịp thời giải quyết, tránh để mâu thuẫn  kéo dài, gây mất đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã chủ động phối hợp với ngành tư pháp cùng cấp tham mưu cho chính quyền địa phương đưa nội dung thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở vào xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, trong đó đề ra các giải pháp thực thi hiệu quả, kịp thời phát hiện và giải quyết các mâu thuẫn ngay từ cơ sở, giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng dân cư, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Định kỳ hằng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về hòa giải cơ sở lồng ghép trong kiểm tra công tác của Mặt trận hàng năm. Qua kiểm tra, giám sát, Mặt trận có những đề xuất, kiến nghị đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, thực hiện tốt hơn công tác hòa giải ở cơ sở. Công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên với cơ quan tư pháp trong triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt trong củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải; trong tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Kết quả trên đã góp phần nâng cao ý thức tự giác, tích cực tìm hiểu pháp luật và thói quen chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức. Từ đó mạnh dạn tham gia vào việc giám sát quản lý Nhà nước ở địa phương, tích cực  đấu tranh bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền lợi chính đáng của công dân, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động hòa giải ở cơ sở còn gặp một số khó khăn: Một số hoà giải viên còn hạn chế về nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, kỷ năng hoà giải; một số hòa giải viên chưa nhiệt tình trong việc hòa giải. Trong quá trình hòa giải, một số hòa giải viên ngại va chạm, chưa mạnh dạn, thiếu nhiệt tình nên chưa kịp thời giải quyết các vụ việc phát sinh. Một số nơi, hoạt động hòa giải còn mang tính hình thức chưa chú trọng chiều sâu. Đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước về hòa giải còn kiêm nhiệm, việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên chưa được quan tâm đúng mức. Hoạt động phối hợp giữa Trưởng ban công tác Mặt trận với Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội của thôn, tổ dân phố trong xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước về hòa giải chưa chặt chẽ, nhịp nhàng. Ở nhiều địa phương, Hoạt động Ban công tác mặt trận ở nhiều cơ sở còn chưa chủ động kiến nghị Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã trong củng cố, kiện toàn tổ hòa giải khi có sự thay đổi. Chất lượng đội ngũ hòa giải viên cơ sở chưa cao, số lượng hòa giải viên có chuyên môn Luật còn thiếu...

Để nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở, trong thời gian tới MTTQ các cấp cần tăng cường phối hợp với ngành Tư pháp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các ngành liên quan thực hiện tốt các nội dung sau:

Một là, Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan có liên quan trong chỉ đạo, hướng dẫn đối với hoạt động hòa giải cơ sở.

Hai là, tăng cường vai trò của MTTQ các cấp, nhất là cấp cơ sở trong việc tổ chức lựa chọn, bầu hòa giải viên, phối hợp theo dõi, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tổ hòa giải hoạt động và tăng cường vai trò giám sát để các tổ hòa giải hoạt động thực sự có hiệu quả.

Ba là, MTTQ các cấp cần thường xuyên tăng cường phối hợp với chính quyền cùng  cấp và các ngành liên quan để củng cố, kiện toàn đội ngũ công chức tư pháp, hòa giải viên, đẩy mạnh tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải, cung cấp tài liệu cho hòa giải viên; tăng cường theo dõi, kiểm tra việc củng cố, kiện toàn về tổ chức và hoạt động hòa giải.

Bốn là, tiếp tục triển khai các hình thức giao lưu để các hòa giải viên được thường xuyên học hỏi kinh nghiệm. Nhất là tổ chức các hội thi hoà giải viên tại cơ sở để nâng cao nhận thức chung cho các hòa giải viên và cộng đồng khu dân cư.

Năm là, kịp thời động viên, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt công tác hòa giải; góp phần tạo sự đoàn kết, đồng thuận, đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương và cộng đồng khu dân cư.

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Quảng Điền

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tìm kiếm tin tức
 
Video khác
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Huyện, thị xã, thành phố
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.694.405
Truy cập hiện tại 527